CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG WEB CHUYÊN VỀ DU LỊCH - ATI MULTI SERVICE : NƠI CÁC BẠN CHUẨN BỊ CHO CHUYẾN DU LỊCH CỦA MÌNH HOÀN TOÀN ONLINE
Tỉnh Hậu Giang cách TP HCM 240km về phía Tây Nam và cách thành phố Cần Thơ 60km theo quốc lộ 61. Nơi đây vẫn giữ nguyên nét hoang sơ, vẻ đẹp bình dị và nhiều món ăn dân dã, được nhiều du khách yêu thích.
Món cháo lòng Cái Tắc
Từ quốc lộ 61 đi thẳng xuống Cái Tắc, bạn sẽ thưởng thức món cháo lòng Cái Tắc. Nồi cháo lòng được truyền từ hai đời ghi điểm nhờ tô cháo nóng thơm ăn kèm với rau đắng và bánh chéo quẩy. Món cháo lòng Cái Tắc hương vị độc đáo, nổi tiếng gần xa, một lần thử chắc bạn sẽ không quên.
Khóm (dứa) cũng là loại cây gắn bó với người dân xã Hỏa Tiến và Tân Tiến, thành phố Vị Thanh (cách trung tâm TP Vị Thanh khoảng 16km), tỉnh Hậu Giang. Đây còn là một trong những vùng khóm lớn nhất tỉnh Hậu Giang.
Hiện, thương hiệu khóm Cầu Đúc nổi tiếng nhờ vị ngọt thanh thịt màu vàng sậm, ít xơ, ít nước, ăn giòn và ngọt. Bạn sẽ thưởng thức trái khóm tươi ngon ngọt và các sản phẩm làm từ khóm như: bánh xèo củ hủ khóm, dưa khóm, kẹo khóm, mứt, nước ép, rượu khóm…
Trái khóm Cầu Đúc có thể chế biến thành nhiều món ngon như bánh xèo, mứt… Ảnh: Kim Ngân.
Món ngon từ cá đồng
Xuôi về Phụng Hiệp, bạn sẽ thưởng thức nhiều loại cá đồng như cá lòng tòng, cá sặc, cá bống cát, cá lìm kìm, cá rô, cá lóc… Trong đó, cá lòng tong có kích thước bé nhưng ăn lại rất ngon. Lòng tong chế biến được nhiều món như kho tiêu, chiên bột, làm khô. Với món cá lòng tong làm khô, người dân sẽ cắt bỏ đầu, làm ruột, chà vảy rồi ướp mắm muối, gia vị cho vừa ăn trước khi đem phơi. Cá lòng tong được phơi một nắng, sau đó đem chiên với dầu mỡ là dùng được.
Phụng Hiệp được xem là thủ phủ của cá thác lác. Đây là một trong những địa phương sản xuất cá thác lác lớn nhất toàn tỉnh Hậu Giang. Loại cá này được chế biến thành nhiều món như rút xương, chiên sả ớt, hoặc nướng sả ớt, làm chả, dồn khổ qua… Các món ăn cuốn hút nhờ mùi thơm của cá hòa quyện với mùi sả làm kích thích vị giác.
Cá lóc đồng nướng trui
Mảnh đất Hậu Giang không khó khi bạn muốn tìm món cá lóc đồng nướng trui bằng rơm. Món cá lóc đồng nướng trui ăn kèm với cá loại rau: lục bình, đọt dừa chấm với nước mắm me. Hương vị cá lóc đồng nướng trui thơm phức hòa cùng các loại rau và nước chấm đặc trưng, mang đến trải nghiệm khó quên cho bạn.
Cá lóc đồng nướng trui – một trong những món ăn dân dã của người dân miền Tây, đặc biệt ở Hậu Giang. Ảnh: Quỳnh Biển.
Đọt choại
Bên cạnh thưởng thức các loại cá đồng phong phú hấp dẫn, đọt choại cũng là một trong những món rau bình dị, dân dã có nhiều ở miền Tây Nam Bộ, đặc biệt là mảnh đất Hậu Giang. Loại rau có lá non xoăn tít như con cuốn chiếu cuộn mình khi ăn vào hơi nhớt, vị lạt nhưng lại giòn và có chút hậu ngọt đọng lại.
Các món ăn kết hợp với đọt choại luôn gây ấn tượng với nhiều người. Loại rau này đơn giản nhất là ăn sống, trộn nước mắm giấm tỏi ớt hoặc luộc chấm nước tương, nước cá, nước thịt kho hay mắm nêm đều ngon hoặc xào với tép. Sau khi luộc đọt choại, nên giữ lại nước để thêm chút muối và bột canh để có tô canh ngon, mát, hương vị thơm thoang thoảng.
Nhiều loại trái cây
Dâu da, cà na… là những loại cây trái gắn liền với ký ức tuổi thơ của bao thế hệ người con sông nước miền Tây như Hậu Giang. Cây cà na cho trái có hình bầu dục, to bằng đầu ngón tay. Trái non có màu xanh, đến lúc chín ngả sang màu vàng lợt, vị chua chát thật hấp dẫn. Chính vị chua chát của cà na khi đem biến tấu sẽ cho ra nhiều món ngon như cà na muối, cà na ngào đường…
Quýt đường Long Trị thuộc xã Long Trị, thị xã Long Mỹ có ưu điểm trái to, vỏ mọng, ngọt nước, vị ngọt thanh, mùi thơm dễ chịu và để được lâu nên được nhiều người yêu thích.
Bưởi năm roi Phú Hữu Nằm trên địa bàn hai xã: Phú Hữu và Phú Tân huyện Châu Thành. Diện tích trồng bưởi tại Hậu Giang chiếm khoảng 3.000 ha. Với đặc điểm vỏ vàng đẹp, khi chín rất đầy đặn, không hạt, màu vàng mỡ gà, tép bưởi khô, vị ngọt thoảng chua thanh. Bạn sẽ cảm nhận được hương vị bưởi khi ăn kèm với muối ớt.
Canh sành Ngã Bảy nổi tiếng xứ Hậu Giang vì cho nhiều nước. Ảnh: Anh Lam.
Cam sành Ngã Bảy là một trong những loại trái cây đặc sản của Hậu Giang. Khi cam chín, tép cam màu vàng cam đậm, nhiều nước, vị ngọt chua. Cam dùng làm nước giải khát tốt cho sức khỏe. Ngoài ra, người dân ở đây còn chế biến thêm rượu cam sành, là một trong những đặc sản của vùng đất bảy nhánh sông này.
Thư Kỳ
Nguồn tin: tcgd theo Vietnam,vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin cũ hơn